Ngũ Uẩn

Thân Tâm con người được cấu tạo bởi Ngũ Uẩn (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và Thức). Năm Uẩn này là guồng máy hoạt động tạo ra suy nghĩ, lời nói, hành động và nhận biết của con người. Tùy theo trường hợp, những Uẩn này hoạt động hay ngừng nghĩ.

Ví dụ khi lái xe, tay ga cần nhấn lên nhưng tay thắng ngưng hoạt động, và máy vẫn nổ. Khi muốn dừng, nhấn tay thắng và tay ga ngừng hoạt động. Đó là hoạt động bình thường. Nếu cùng lúc nhấn tay thắng và nhấn tay ga sẽ tạo ra sự ức chế và căng thẳng làm hại thắng hại máy xe. Ví dụ này có thể mô phỏng một khía cạnh của sự vận hành Ngũ Uẩn.

Hiểu rõ Ngũ Uẩn, Thập Nhị Nhân Duyên,... mới có được căn bản Phật Giáo. Từ đây, chúng ta có đủ kiến thức phân biệt đâu là Pháp Phật và đâu là Pháp của ngoại đạo.

1. Sắc Uẩn: là uẩn duy nhất thuộc về phần vật chất, gồm có Mắt, Tai, Mũi, Miệng, Thân và Ý. Hay còn gọi là Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân và Ý. Đây là những giác quan (Sáu căn) tiếp nhận với thế giới xung quanh Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp, gọi là Sáu Trần, sinh ra Sáu Thức là Cái Biết.

Ví dụ: Khi âm thanh (nhĩ trần) gặp lỗ tai (nhĩ căn), chúng ta biết có âm thanh. Cái biết đó gọi là Nhĩ thức. Khi Mắt (nhãn căn) thấy ngôi sao (nhãn trần) thì biết cái đóm sáng nhỏ trong bầu trời là ngôi sao, là Cái biết của nhãn thức. Riêng Ý căn là phần não bộ thực hiện chức năng tư duy, suy nghĩ, ghi nhớ và hiểu biết, có sự giới hạn bởi không gian và thời gian, cụ thể là giới hạn bởi thế giới thực tại xung quanh. Ý thức còn gọi là Tri Thức hay Tri Kiến.

2. Thọ Uẩn: là phần cảm nhận (cảm giác) của thân ngũ uẩn, gồm có Thọ lạc, Thọ khổ và Thọ bất lạc bất khổ. Thọ uẩn hoạt động nơi Sắc uẩn tạo ra những cảm nhận của cơ thể như đau nhức. Thọ uẩn hoạt động nơi Tưởng uẩn tạo ra những buồn vui, an lạc, sung sướng, tức giận, sợ hãi, lo lắng ...

3. Tưởng Uẩn: là phần vô hình của thân Ngũ uẩn gồm có 33 loại Tưởng khác nhau. Giấc mơ là ví dụ dễ hiểu để diễn tả một phần của Tưởng Uẩn. Khi Sắc uẩn (thực tại) ngưng hoạt động, con người mất Ý thức, rơi vào giấc ngủ. Trong mơ, chúng ta cũng nghe, thấy, biết, ngửi và cảm giác. Cái biết trong mơ này do Tưởng Uẩn lưu xuất ra, gọi là Tưởng Thức.

Ban ngày, 6 căn của Sắc uẩn hoạt động để tiếp nhận 6 trần. Sau nhiều giờ hoạt động, Sắc uẩn cần nghỉ ngơi và ngưng hoạt động. Khi ngưng hoạt động, chúng ta rơi vào giấc ngủ. Khi đó 6 trần không thể tác động vào chúng ta nữa. Bấy giờ chỉ có Tưởng uẩn hoạt động, nó sẽ phát ra những gì nó ghi nhận, tạo thành giấc mơ.

Ý thức (của Sắc uẩn) và Tưởng thức đều là cái biết, nhưng cái biết này có thì cái biết kia dừng lại. Đó là hoạt động bình thường.

Tưởng uẩn rất đa dạng và phong phú, có tới 33 loại Tưởng được Hòa thượng Thông Lạc liệt ra trong sách Những Lời Gốc Phật Dạy, Tập 3. Ví dụ: Mộng tưởng là "giấc chiêm bao thực hiện qua sự hoạt động của Tưởng uẩn theo tâm trạng thất tình lục dục". Sắc tưởng là hình ảnh đã xảy ra còn lưu lại từ trường trong không gian được Tưởng uẩn bắt gặp, nhưng cũng có thể là những hình ảnh do Tưởng uẩn trong ta lưu xuất ra như nhà cửa, ánh sáng, hào quang, ma, quỷ, linh hồn, v.v. Những cảnh giới này được gọi là thế giới của Tưởng Tri, khác với Liễu Tri, là sự hiểu biết chân chánh, không bị Tà pháp, Tà kiến, Tưởng kiến.

Tưởng tượng có phải là Tưởng uẩn? Tưởng tượng là một phần của Tưởng uẩn. Khi chúng ta tưởng tượng về một gương mặt người bạn học cũ, hình ảnh gương mặt đó chính là Sắc tưởng. Sắc tưởng này là do Tưởng uẩn ghi nhận từ thời đi học. Bây giờ chúng ta chủ động nhớ lại gương mặt ấy, sự chủ động này chính là do ý thức (thuộc Sắc uẩn) ra lệnh cho Tưởng uẩn nhớ lại. Như vậy trí tưởng tượng là do ý thức câu hữu với tưởng uẩn, còn gọi là Ý Thức Tưởng, thuộc Tưởng Uẩn.

Sự khác nhau giữa tưởng tượng và giấc mơ Khi chúng ta tưởng tượng, sắc uẩn chưa ngưng hoạt động hoàn toàn, do đó chúng ta còn phân biệt được đâu là 6 trần, đâu là 6 tưởng. Khi 6 căn của Sắc uẩn đóng hoàn toàn thì chúng ta không thể phân biệt được nữa, rơi vào giấc ngủ và Tưởng thức được hoạt động tạo ra giấc mơ. Người hoang tưởng là người do bị rối loạn giữa Sắc uẩn và Tưởng uẩn nên không phân biệt được đâu là 6 Trần và đâu là 6 Tưởng, dẫn đến tình trạng mắt nhìn vật này lại ra vật kia. Như nhìn con Mèo lại ra con Cọp, nhìn Nước thành Máu, nhìn chiếc Đủa thành con Dao, hoặc ví dụ Tưởng lưu xuất ra ông Thần Tài, nhưng lại không phân biệt được Tưởng hay Trần nên cứ cho là có thật một ông Thần Tài trước mặt và trò chuyện với ông ta ...

4. Hành Uẩn: Hành uẩn là những hành động như Khẩu hành, Thân hành, Ý hành. Nếu thân ngũ uẩn không có hành uẩn thì không thành thân ngũ uẩn mà thành một vật bất động vô tri. Hành uẩn thường đi kèm với Thọ uẩn. Ví dụ tay bị phỏng lửa, cảm giác nóng là Thọ uẩn, hành động rụt tay lại là Hành uẩn. Những hoạt động như tim đập, hít vô, thở ra, lời nói, hành động thiện ác, niệm thiện, niệm ác, ... đều thuộc về Hành uẩn.

5. Thức Uẩn: Còn gọi là Cái Biết (Thức), có sự ghi nhớ, nhớ lại vô cùng tận không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Đây là Cái Biết của những bậc chứng đắc.

Có 3 Cái biết của thân Ngũ uẩn. - Ý Thức: Cái biết do sự phân biệt của Nhãn Nhĩ Tỷ Thiệt Thân Ý hàng ngày, thuộc về Sắc Uẩn. - Tưởng Thức: Là Cái biết khi Ý thức ngừng hoạt động, thuộc về Tưởng uẩn. - Thức Thức: là Cái biết của Thức uẩn. Khi Ý thức và Tưởng thức ngừng nghỉ, thì Thức uẩn được hoạt động, có khả năng đạt được Cái biết siêu thời gian siêu không gian như Túc mạng minh, Thiên nhãn minh và Lậu tận minh.

Thức uẩn đối với người bình thường thì nó đang bất động. Nếu Ý thức và Tưởng thức chưa ngưng nghỉ thì Thức thức không bao giờ hoạt động được. Muốn Thức uẩn hoạt động, phải nhập xong Tứ thiền, là nơi Ý thức và Tưởng thức được ngưng nghỉ nhường chỗ cho Thức uẩn hoạt động.

Trên đây là sơ lược sự hoạt động của Ngũ uẩn. Tuy là 5 uẩn, nhưng không phải 5 uẩn hoạt động cùng lúc. Khi ngủ, chỉ có Tưởng uẩn, Thọ uẩn và Hành uẩn hoạt động. Trong sinh hoạt hàng ngày thì Sắc uẩn, Thọ uẩn, Hành uẩn hoạt động, và có sự chen vào của Tưởng uẩn. Ví dụ đang chăm chú học bài nhưng đôi khi cũng ngừng Ý thức để mơ tưởng (Tưởng uẩn) về cô bạn học.

Con người là do năm duyên hợp thành gọi là thân Ngũ uẩn. Khi chết, năm uẩn này tan rã, thân tứ đại này trở về cát bụi. Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức đều tan biến và hoại diệt như có nói trong Kinh Thiên Uẩn, Tương Ưng Bộ - Tập III, Chương I: Tương Ưng Uẩn.

Năm duyên hợp thành là duyên nhân quả sanh ra con người. Sống trong nhân quả, và khi chết chỉ còn lại nhân quả, tiếp tục tái sanh theo duyên nhân quả đã tạo. Chính vì điều này mà Hòa thượng Thông Lạc nói rằng: không có linh hồn sau khi chết. Xuyên suốt những bộ Kinh Nguyên Thủy của Đức Phật, không có một Kinh nào dạy về những những chuyện Cầu an, Cầu siêu, Độ tử,... Nếu có những phương tiện dễ dàng như vậy, Đức Phật hẳn đã vận dụng và lưu truyền cho hậu thế sau này.

Cận Tử Nghiệp Con người bình thường hoạt động trong thế giới hữu hình bằng Sắc thức (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý). Hoạt động trong thế giới vô hình bằng Tưởng thức. Khi Sắc thức ngưng hoạt động, thì Tưởng thức hoạt động, sinh ra giấc mơ. Khi một hay vài bộ phận cơ thể (như tim, gan, thận, phổi,..) ngừng hoạt động và xem như là chết, thì Sắc thức ngưng hoạt động và Tưởng thức được hoạt động tạo ra giấc chiêm bao mà mọi người gọi đó là Cận tử nghiệp.

Giấc chiêm bao này có thể hiện ra theo những gì người này hay sinh hoạt trong cuộc đời, như mong ước gặp Phật, thấy hào quang, ánh sáng, thấy cỏi Cực lạc tây phương,... Còn những người không có tôn giáo thì có thể thấy theo sự danh lợi, tình yêu, thương ghét, thù hận, sợ hãi,.... Một vài trường hợp bệnh nhân sống lại khi đang trải qua giấc mơ này, và kể lại giấc mơ trong lúc thập tử nhất sinh, nên gọi là Cận tử nghiệp. Nếu qua luôn trạng thái chết lâm sàng và chết thật luôn, thì Tưởng uẩn cũng hoại diệt, giấc mơ kết thúc, và cả các Uẩn khác cũng đều tan rả. Con người không còn gì tồn tại ngoài Nhân quả và nghiệp lực để tiếp tục luân hồi.

Sự vận hành của Ngũ uẩn qua các Tầng Thiền

Sơ Thiền: Do ly dục ly bất thiện pháp và xả tâm (xả bỏ Tham Sân Si), như bài Kinh Song Tầm dạy: https://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung19.htm, tu sĩ vào được Sơ Thiền với tâm thanh tịnh chỉ còn 5 chi: Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc và Nhất Tâm. Tại đây, Ý Thức vẫn còn hoạt động duy trì Tầm Tứ, tức là trạng thái thanh tịnh và hỷ lạc do ly dục nhưng vẫn còn hiện diện của 6 thức (Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân và Ý). Do còn sự hiện diện của 6 thức, nên Đức Phật dạy Tiếng ồn là cây gai của Sơ thiền (Tăng chi bộ - phẩm Ước nguyện - mục Cây gai: https://www.budsas.org/uni/u-kinh-tangchibo/tangchi10-0709.htm).

Ly dục ly bất thiện pháp là quá trình học hiểu về Giới luật, xả tâm, quét dọn Tham Sân Si, là quá trình tu học và thực tập Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn và Chánh Niệm.

Ví dụ ham thích muốn được chiếc xe SH, nên phải lo lắng kiếm thêm tiền. Quá trình phấn đấu và tranh đấu có thêm tiền cũng mang nhiều mệt nhọc, lo toan, và đôi khi là khổ sở. Nếu xả bỏ tâm ham thích chiếc xe SH này, thì không phải lo lắng cực khổ trước sau. Như vậy đã buông bỏ một chuyện Tham trong sinh hoạt hàng ngày. Càng xả bỏ, buông bỏ nhiều, thì càng nhẹ nhàng, thân tâm càng thanh tịnh.

Chánh Niệm là phương pháp Ngăn ác Diệt ác, Sanh Thiện tăng trưởng Thiện. Chánh Niệm không phải là Niệm Phật, Niệm Chú như một số Kinh Đại thừa chỉ dạy. Vì thời Đức Phật không có pháp môn Niệm Phật. Niệm Phật là môn được viết ra sau này, truyền vào nước ta từ Trung hoa, trong khi đó Kinh văn Đại thừa lại cho rằng Phật Thích Ca thuyết pháp môn Niệm Phật. Đây là những sự mờ ảo không chân chánh và mâu thuẩn thời gian lịch sử của Kinh Đại thừa.

Sau cùng mới tới Chánh Định là sự im lặng, bất động của thân tâm, là cách Tịnh Chỉ các hành trong thân Ngũ Uẩn để vào các tầng Thiền, đoạn tận các Lậu đạt được Tuệ Tam Minh, là Trí Tuệ của bậc Vô lậu A La Hán.

Trải qua giai đoạn tu tập ly dục ly ác pháp nhuần nhuyễn thì mới tập vào Sơ Thiền. Nếu tâm chưa ly dục ly ác pháp mà tu tập Tịnh Tướng (niệm hay định trên một đề mục) thì đó là Ức chế tâm, là cách ép tâm vào Sơ thiền. Cũng tạm thời ly dục ly ác pháp trong lúc hành thiền, nhưng khi hết thiền thì Tham sân si vẫn còn y nguyên.

Nhị Thiền: Kinh dạy Diệt Tầm Tứ mới vào được Nhị thiền. Lúc này tâm chỉ còn Hỷ, Lạc, và Nhất tâm. Diệt tầm tứ là lìa Sắc uẩn, là mắt, tai, mũi, miệng, thân và ý đều ngưng nghỉ, giống như người đang ngủ. Cái biết tựa như cái biết trong trạng thái chiêm bao. Đó là cái biết của Tưởng thức. Nếu còn có Ý thức phân biệt, nhĩ thức nghe, nhãn thức thấy... thì không vào được Nhị thiền, nên Đức Phật dạy rằng: “Với người chứng Thiền Thứ hai, tầm tứ là cây gai” (Tăng Bộ Kinh - phẩm Ước Nguyện - mục Cây Gai). Nhị thiền thì Ý thức ngừng nghỉ nhường cho Tưởng thức hoạt động với cái biết là Hỷ, Lạc, và Nhất tâm.

Giấc mơ khác với Nhị thiền như thế nào? Ban ngày do 6 căn (mắt, tai, mũi, miệng, thân và ý) làm việc mệt mỏi, đêm về 6 căn cần nghỉ ngơi. Sự nghỉ ngơi này được cơ thể ngừng Ý thức (không Tầm Tứ), nhường cho Tưởng thức được hoạt động lưu xuất ra giấc mơ. Giấc mơ này còn đầy Tham Sân Si nên có thể thấy những gì Tưởng uẩn ham thích mơ mộng. Trạng thái giấc mơ gần giống như Nhị thiền, nhưng trạng thái Nhị thiền là một trạng thái thanh tịnh, và tâm không thể mơ lộn xộn nữa mà chỉ còn Hỷ, Lạc, và Nhất tâm qua Cái biết của Tưởng thức.

Có thể nói quá trình đi vào giấc mơ là sự diệt Tầm Tứ một cách thụ động do sự cần nghỉ ngơi của 6 căn. Còn Nhị thiền là diệt Tầm Tứ chủ động qua quá trình tu học và thanh tịnh của ly dục ly bất thiện pháp. Giấc mơ và Nhị thiền có điểm chung là Ý thức ngừng hoạt động nhường cho Tưởng thức hoạt động, tức thâm nhập vào thế giới Tưởng.

Nếu tâm chưa ly dục ly ác pháp mà chủ động đóng 6 căn qua sự chăm chú nắn nót trên một Tịnh Tướng hay Câu Niệm, tức là ức chế Ý thức hưng phấn Tưởng thức, hành giả dễ rơi vào trạng thái Xúc Tưởng hỷ lạc, thấy ánh sáng hào quang, thấy chư Phật tổ, ma quỷ, cảnh giới, v.v. Đây là những trạng thái đa dạng của Tưởng uẩn tạo ra mà Hòa thượng Thông Lạc có nhắc đến sự nguy hiểm của 6 loại tưởng đầu tiên trong sách Đường Về Xứ Phật - Tập 2.

Nếu hành giả cứ tập Ức chế Ý thức và đắm chìm trong thế giới Tưởng lâu dài cho đến khi Ý thức không còn hoạt động bình thường nữa thì người ấy có khả năng bị bệnh rối loạn thần kinh và rối loạn một số chức năng của cơ thể. Tức là 6 thức bị tê liệt và không phân biệt đâu là Tưởng đâu là 6 trần nữa. Ví dụ Tưởng uẩn lưu xuất ra cảnh đang bị người khác rượt đánh, nhưng vì không phân biệt được đâu là Tưởng hay Trần nên cứ nghĩ là có người rượt đánh thật, rồi bỏ chạy la hét như người điên. Hoặc mắt nhìn thấy vật này nhưng lại ra vật khác.

Giải thích chi tiết hơn là do Ức chế Ý thức quá nhiều và trú trong thế giới Tưởng liên tục ngày lẫn đêm nên các căn nào không có dịp hoạt động sẽ yếu đi. Nếu Ý căn suốt ngày chăm chút và nắn nót trên một Tịnh tướng hay Câu niệm thì Ý căn sẽ không có cơ hội hoạt động bình thường theo chức năng suy tư, phân biệt, và suy nghĩ của nó. Vì vậy biểu hiện đầu tiên của sự tê liệt Ý căn là khó suy nghĩ logic được. Nó yếu đi vì cái gì không hoạt động thì sẽ từ từ mất đi chức năng vốn có.

Tiếp theo, nếu duy trì sự quán tưởng trên một Tịnh tướng và Câu niệm liên tục, Nhãn (mắt) và Nhĩ (tai) căn không được hoạt động bình thường sẽ yếu luôn, khi đó tu sĩ sẽ không phân biệt đâu là Sắc tưởng, đâu là Sắc trần nữa. Đến khi 6 căn dần dần tiêu biến, khi mà không thể phục hồi được nữa, là lúc thành người điên hoàn toàn.

Ví dụ thời trước khi chưa có điện thoại thông minh, Số lượng người bị đeo kính không nhiều như bây giờ. Ngày nay, do ham thích dùng phone, đôi mắt cứ chăm chú vào chiếc phone và ít hoạt động đôi mắt nhìn vào những chuyện khác như nhìn trời nhìn sao, thay đổi sự điều tiết của mắt trong sinh hoạt hàng ngày, nên nhiều người bị bệnh rối loạn mắt và phải đeo kính nhiều hơn thời trước. Hoặc nếu ngủ 1 ngày 8 tiếng là tốt, nhưng nếu uống thuốc và ngủ liên tục 3, 4 ngày thì người này sẽ có những biểu hiện chậm chạp không hoạt bát nữa. Đó là biểu hiện của căn nào không được hoạt động bình thường thì sẽ yếu đi.

Tam Thiền: "Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là "xả niệm lạc trú", chứng và trú Thiền thứ ba." (Trung Bộ Kinh Tập I, Phẩm 39: Đại Kinh Xóm Ngựa, https://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung39.htm ). Muốn nhập Tam thiền, hành giả phải ly các trạng thái Hỷ. Hỷ ở đây là Hỷ Tưởng, gồm 18 loại Hỷ tưởng được Hòa thượng Thông Lạc liệt ra trong quyển Những Lời Gốc Phật Dạy Tập 3. Xả các Hỷ Tưởng này tức là thoát ra khỏi thế giới mộng tưởng.

Ly dục ly ác pháp tức là không tạo nghiệp thiện ác mới, làm cho Thân Khẩu Ý thanh tịnh. Còn ly Hỷ tưởng tức là lìa nghiệp thiện ác cũ. Ngoài ra còn có thể làm chủ thân bệnh. Bệnh tật là do Tưởng sanh bệnh, vì thế khi nhập Tam thiền đã ly Tưởng và không dao động trước các cảm thọ, nên dễ dàng xả Thọ khổ, làm chủ thân bệnh bằng thiền Định.

Tứ Thiền: "Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh." (Trung Bộ Kinh Tập I, Phẩm 39: Đại Kinh Xóm Ngựa). Xả lạc xả khổ là xả Thọ uẩn. Lìa hết các cảm Thọ và cả hơi thở cũng được tịnh chỉ thì mới vào được Tứ thiền. Do đó Đức Phật có dạy "Với người chứng Thiền thứ tư, hơi thở là cây gai" (Tăng chi bộ - phẩm Ước nguyện - mục Cây gai).

Ở Tứ thiền, Ý thức và Tưởng thức đã được ngưng nghỉ, nhường sự hoạt động cho Thức thức (Thức uẩn), là Cái biết vô cùng tận, không bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Tu sĩ có thể đánh thức Thức uẩn để triển khai Trí tuệ Tam Minh và diệt trừ các mầm mống Lậu hoặc đạt đạo quả của bậc Vô Lậu A La Hán.

Bên trên là sơ lược về sự vận hành của các uẩn qua các tầng thiền trong cái hiểu hạn hẹp của chúng tôi. Có thể nói Tứ Thánh Định và Tam Minh là kết quả của sự tu tập Giới Định Tuệ. Sơ thiền thuộc về Giới ly dục ly bất thiện pháp. Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền thuộc về Định, còn Tam Minh thuộc về Tuệ.

Quá trình Ly dục ly bất thiện pháp phải có trước thì mới vào được Sơ Thiền. Nếu chưa qua quá trình này mà ép tâm để được Ly dục ly bất thiện pháp thì rất nguy hiểm cho con đường tu tập. Qui trình này cũng được chỉ rõ ràng từng bước trong bài kinh Trung Bộ Kinh Tập I, Phẩm 39: Đại Kinh Xóm Ngựa: Từ Giới hạnh, Hộ trì các căn, ... cho đến Chánh niệm tỉnh giác, Đoạn trừ các triền cái, rồi sau cùng mới tới cách nhập định 4 thiền và Tam minh.

Tóm lại, Ly dục ly ác pháp trước rồi mới Thiền định. Không nên Thiền Định rồi mới có ly dục ly ác pháp.

1 nhận xét:

  1. Trì Giới luật + Học tri kiến + Tập Định Vô Lậu
    https://www.youtube.com/watch?v=lf640afxqpo

    Thân Tâm thanh tịnh Tu tập chánh niệm (tứ niệm xứ) đoạn tận các kiết sử
    https://www.nguyenthuychonnhu.net/index.php/bdt/1429-tnx-dt

    Tu sĩ và Cư sĩ giữ tâm bất động đều vào niết bàn, nhưng điều kiện Tu sĩ thuận lợi để thiền định, có tam minh chỉ để "biết thêm Phật Giáo còn mức nào".
    https://www.youtube.com/watch?v=nR9LkxD7Fyk&t=360s

    TIẾNG ỒN
    Câu hỏi của Diệu Quang

    Hỏi:Kính thưa Thầy, theo như nhà học giả dạy: “cái chướng ngại của Sơ Thiền là tiếng ồn đi vào tai”, có đúng không thưa Thầy?

    Đáp:Không, nhà học giả đã hiểu sai những danh từ Phật dạy. Phật dạy: “Tịnh chỉ ngôn ngữ nhập Sơ Thiền”, nhà học giả nghe chữ “ngôn ngữ”, rồi nghĩ tưởng ra là tiếng ồn, vì tiếng ồn thường làm động thiền định ức chế tâm, nên Ngài luận: “Cái chướng ngại của Sơ Thiền là tiếng động đi vào tai”.

    https://thichthonglac.com/en/node/2011

    Có lần xem 1 clip trên youtube trả lời thắc mắc Phật Tử về giáo lý trong sách của thầy Thông Lạc, được người trong tu viện trả lời rằng có những chổ trong sách đã bị biên tập.

    Trả lờiXóa

Được tạo bởi Blogger.